Để đảm bảo an toàn lao động trong sản xuất, thi công, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định bắt buộc các tổ chức, doanh nghiệp phải kiểm định máy móc, thiết bị với quy trình vận hành đảm bảo an toàn cho người lao động theo Thông tư 05 và 06/2014/TT-BLĐTBXH.
Theo Thông tư 05 và 06/2014/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, việc kiểm định an toàn đối với các máy móc, thiết bị có khả năng gây mất an toàn cho người lao động là bắt buộc. Thông tư này cũng quy định rõ danh mục máy móc thiết bị nào phải kiểm định mới được phép đưa vào vận hành.
Về phân loại, kiểm định kỹ thuật an toàn được chia thành 3 loại hình sau:
1. Kiểm định an toàn lần đầu.
Theo quy định, sau khi lắp đặt máy móc, thiết bị (trước khi đưa vào vận hành) phải kiểm định kỹ thuật an toàn nhằm đánh giá tình trạng kỹ thuật an toàn của thiết bị, máy móc đó trong suốt chu kỳ vận hành và trong mối quan hệ tổng thể của một quy trình sản xuất (nếu có). Quy trình kiểm định căn cứ theo các tiêu chí phù hợp với quy chuẩn quốc gia về an toàn kỹ thuật được quy định tại văn bản QCVN7: 2012/TT-BLĐTBXH và QCVN:01-2008/TT-BLĐTBXH.
Hoạt động này được gọi là kiểm định an toàn lần đầu và kết quả kiểm định được xác lập bằng văn bản xác thực của đơn vị có chức năng được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép thực hiện.
2. Kiểm định an toàn định kỳ.
Kết quả kiểm định kỹ thuật an toàn có thời hạn đối với thiết bị, máy móc. Do đó, khi thời hạn xác nhận kiểm định được quy định cho lần kiểm định trước đó hết hiệu lực, các thiết bị, máy móc đang vận hành cần được đánh giá lại tình trạng an toàn về kỹ thuật nhằm đảm bảo an toàn lao động.
Vì kiểm định được thực hiện theo chu kỳ lặp lại thường xuyên này nên được gọi là kiểm định an toàn định kỳ.
3. Kiểm định an toàn bất thường
Việc đánh giá tình trạng kỹ thuật an toàn máy móc thiết bị căn cứ vào các quy chuẩn kỹ thuật an toàn quốc gia diễn ra đột xuất (không theo một chu kì nhất định nào cả) được gọi là kiểm định an toàn bất thường.
Hoạt động kiểm định an toàn bất thường diễn ra trong các trường hợp sau:
– Khi máy, thiết bị được sửa chữa hoặc nâng cấp khiến quy trình kỹ thuật hoặc vận hành có ảnh hưởng tới kỹ thuật an toàn thiết bị.
– Khi thay đổi vị trí lắp đặt máy móc, thiết bị.
– Đối với các thiết bị chịu áp lực: khi tạm ngưng hoạt động từ 12 tháng buộc phải kiểm định trước khi đưa vào vận hành lại.
– Khi có yêu cầu của cơ quan quản lý có thẩm quyền hoặc đơn vị sản xuất, thi công thấy sự cần thiết phải kiểm định lại tình trạng kỹ thuật máy móc, thiết bị để đảm bảo an toàn lao động.